Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Nợ công nghiêm trọng tới mức nào?


download
Ông Bùi Kiến Thành
Tình hình ngân sách năm 2016 được nhiều chuyên gia kinh tế của chính phủ cho là tới mức gay go mà nhiều năm trước đây chưa bao giờ xảy ra nghiêm trọng như vậy. Ngân sách không đủ là hậu quả mức nợ công ngày càng nhiều, tiền vay phải trả, doanh nghiệp trì trệ không thể đóng thuế là các nguyên nhân trực tiếp. Mặc Lâm phỏng vấn chuyên gia kinh tế tài chánh Bùi Kiến Thành đang làm việc tại Hà Nội để biết thêm chi tiết.


Mặc Lâm: Thưa như ông đã biết vấn đề nợ công là câu hỏi rất lớn trong thời gian gần đây. Bộ Tài chánh vẫn luôn luôn nói là nợ công vẫn trong mức cho phép, chỉ đạt 62,2% GDP mà thôi nhưng theo báo chí và các chuyên gia trong và ngoài nước thì cho rằng do cách tính của Bộ Tài chính khác với nước ngoài cho nên nói là trong mức cho phép nhưng thực ra tình trạng nợ công Việt Nam rất nghiêm trọng. Là chuyên gia theo dõi tình hình kinh tế tài chánh Việt Nam ông nhận xét việc này như thế nào?
Ông Bùi Kiến Thành: Đấy là do cách tính của Việt Nam cho nên những con số nó không đồng nhất. Cách tính theo đặc thù của Việt Nam nó không thể hiện thực sự tình hình nợ công các chuyên gia nước ngoài hay World Bank đã có ý kiến rồi cho nên bây giờ Bộ Tài chính phải suy nghĩ lại. Vừa rồi Đại học Kinh tế Quốc dân có một báo cáo vấn đề cách tính nợ công cũng đưa ra những chi tiết so sánh cách tính của Việt Nam và của quốc tế thì rõ ràng nó có sự cách biệt và sự cách biệt ấy nó làm cho số nợ công Việt Nam thấp hơn thực tế.
Ngoài ra còn vấn đề nợ công của nhà nước trung ương, rồi nợ công của nhà nước địa phương và nợ công của doanh nghiệp nhà nước. Những món nợ mà doanh nghiệp nhà nước đi vay và nhà nước đứng ra bảo lãnh…Cho nên nếu tính toàn diện những cái đó thì con số nó sẽ khác xa với những gì mà Bộ Tài chính báo cáo.
Mặc Lâm: Vâng, ông vừa nhắc tới khoản nợ của Doanh nghiệp nhà nước và nó chuyển đổi thành các khoản nợ mà nhà nước phải trả. Những khoản nợ này phân lời rất cao mà thời gian vay cũng ngắn hạn. Vấn đề cấp bách này ảnh hưởng tới nợ công Việt Nam có nhều lắm hay không?
Ông Bùi Kiến Thành: Nếu mà tỷ lệ phạt lên cao thì nó nhân lên mức nợ rất cao vì vậy phải rất thận trọng. Trước đây mỗi lần nợ của doanh nghiệp nhà nước trả không được thì người ta khoanh nợ, rồi một thời gian người ta xóa nợ tại vì số nợ mà ngân hàng cho doanh nghiệp nhà nước vay là Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng thương mại quốc doanh như Vietcom Bank hay những ngân hàng cổ phần hóa rồi thí việc xóa nợ một cách vô tội và như thế không thể làm được nữa.
Mặc Lâm: Thưa ông trong năm 2016 thì Kho bạc nhà nước sẽ phát hành 220 ngàn tỷ trái phiếu chính phủ. Việc phát hành trái phiếu của chính phủ không ngoài mục đích đảo nợ và việc này sẽ kéo theo các hệ quả nghiêm trọng. Ông nhận xét thế nào thưa ông?
Ông Bùi Kiến Thành: Nó nghiêm trọng vì sẽ đẩy lãi suất lên và nó làm khan hiếm tín dụng cho nền kinh tế. Nhà nước ra cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân và vấn đề huy động vốn trung hạn và dài hạn rất nguy hiểm. Không phải chỉ vấn đề nợ công mà thôi mà ảnh hưởng lan tỏa khi nhà nước phát hành trái phiếu như vậy trong khi chủ trương tài chính rất eo hẹp
Mặc Lâm: Ngân hàng World Bank cho biết khả năng vỡ nợ của Việt Nam là khá thấp vì các khoản nợ công của Việt Nam chỉ trong nước không thôi. Thưa ông nhận xét của World Bank có chính xác hay không?
Ông Bùi Kiến Thành: Đấy là vì World Bank nhìn vào nợ công đối với nước ngoài, Việt Nam còn có khả năng trả tiền nợ của nước ngoài nhưng không phải vì thế mà nhà nước Việt Nam không có nghĩa vụ trả nợ cho những chủ nợ trong nước. World Bank chỉ thấy vấn đề của chủ nợ nước ngoài mà thôi như thế thì nó không được hoàn chỉnh đối với vấn đề quản lý nợ công của một quốc gia.
Mặc Lâm: Thưa ông nhiều chuyên gia torng nước cho là vấn đề nợ công trong năm 2016 này nghiêm trọng đến độ nó có thể thiếu hụt ngân sách cũng như có thể gây ra lạm phát cũng như nhiều hậu quả khác nữa. Ông có đồng tình với cái nhìn này không?
Ông Bùi Kiến Thành: Việc này còn tùy theo cách mà nhà nước quản lý. Bây giờ tất cả vấn đề của Việt Nam là làm sao cho nền kinh tế phát triển. Khi kinh tế phát triển rồi lúc đó doanh nghiệp đóng thuế cho nhà nước thì mới có tiền thu vào để chi cho ngân sách. Còn nếu không đóng thuế cho nhà nước thì nhà nước phải đi vay. Đi vay mãi thì nước ngoai người ta sẽ không cho vay nữa mà đi vay trong nước thì không ai cho vay nữa. Tình hình rất khó khăn như vậy nên phải tập trung vào vấn đề làm sao tạo điều kiện thông thoáng, thích hợp, thoải mái cho doanh nghiệp có thể phát triển được thì đó là cái mà nhà nước cần phải làm chứ không phải cứ thiếu tiền thì đi vay. Vay rồi làm sao mà trả nếu nền kinh tế không phát triển được thì không thu thuế được của doanh nghiệp thì lấy gì mà trả?
Mặc Lâm: Vâng, theo như cách ông vừa nói thì những nỗ lực của nhà nước đáng lẽ phải làm từ lâu để ngày hôm nay mới có thể nhận được hiệu quả của nó nhưng bây giờ mới làm trong tình hình nợ công mỗi ngày một lớn liệu có quá trễ hay không?
Ông Bùi Kiến Thành: Đứng trước tình thế như vậy thì phải khẩn trương làm ngay những gì có thể làm được ngay từ bây giờ. Phải quyết liệt làm ngay từ bây giờ chứ không nên ngồi đó mà chắt lưỡi kêu trời. Vì vậy công việc của chính phủ mới là như thế. Làm bất kỳ việc gì để nền kinh tế phát triển bền vững, giảm bớt nợ công nếu không thì nợ công mỗi ngày mỗi tăng lên thì kinh tế không phát triển được và chúng ta sẽ bị vỡ nợ.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.
Theo RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét